Lịch sử Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật

Các mốc thành lập và chuyển đổi mô hình Nhà xuất bản

Cơ sở pháp lý

+ Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật được thành lập theo quyết định số185-KHH/QĐ ngày 09 tháng 6 năm 1960 của Ủy ban khoa học nhà nước;

+ Ngày 16 tháng 02 năm 1993 Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường ký quyết định số 51/QĐ, thành lập doanh nghiệp Nhà nước Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật;

+ Ngày 29 tháng 6 năm 2010, được sự đồng ý của Thủ tướng chính phủ, Bộ khoa học và Công nghệ ký quyết định số 1183/QĐ-BKHCN chuyển đổi mô hình tổ chức và hoạt động từ doanh nghiệp sang tổ chức và hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ.

Chức năng

Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật (sau đây gọi tắt là Nhà xuất bản) là tổ chức sự nghiệp trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, thực hiện chức năng xuất bản các xuất bản phẩm phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Tên giao dịch bằng tiếng Anh của Nhà xuất bản là:

Science and Technics Publishing House.

Nhà xuất bản có trụ sở chính tại Hà Nội và Chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh.

Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật là đơn vị sự nghiệp có thu, tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên, thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/04/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Nhà xuất bản có tư cách pháp nhân, có con dấu, được mở tài khoản tại kho bạc Nhà nước và ngân hàng để hoạt động theo quy định của pháp luật.

Nhiệm vụ và quyền hạn của Nhà xuất bản

+  Hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích của Nhà xuất bản được quy định trong Giấy phép thành lập do cơ quan có thẩm quyền cấp và theo quy định tại Luật Xuất bản;

+  Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch xuất bản hàng năm do Bộ Khoa học và Công nghệ, các cơ quan quản lý nhà nước giao;

+  Hợp tác, liên kết với các cơ quan báo chí, xuất bản, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thực hiện công tác xuất bản, phát hành các xuất bản phẩm;

+ Tổ chức hoạt động xuất bản, kinh doanh và phát hành sách, tài liệu về khoa học và công nghệ, kỹ thuật, kinh tế, chính trị dưới dạng sách in và sách điện tử bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài;

+ Tổ chức xuất bản lịch các loại (lịch blốc, lịch bàn, lịch sổ tay, lịch tờ, …) và các ấn phẩm văn hoá khác, thực hiện các dịch vụ liên quan đến hoạt động xuất bản theo quy định của pháp luật;

+ Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế phục vụ hoạt động xuất bản.

+ Xây dựng, tổ chức và quản lý mạng lưới cộng tác viên của Nhà xuất bản;

+ Quản lý cán bộ, tài sản, tài liệu của Nhà xuất bản theo phân cấp của Bộ Khoa học và Công nghệ và các quy định hiện hành.

+ Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ giao.

Xuất bản phẩm của Nhà xuất bản:

+  Sách, từ điển, tài liệu chính trị, pháp luật về khoa học - công nghệ, kinh tế

+  Sách giáo trình; tài liệu tham khảo về khoa học – công nghệ, kinh tế trong các lĩnh vực, các ngành công nghiệp khác nhau dưới dạng sách truyền thống và sách điện tử.

+ Ấn phẩm tóm tắt, quảng bá tổ chức đơn vị

+ Lịch Block, Lịch treo tường, Lịch bàn, Các loại ấn phẩm nhằm tăng cường hiểu biết về các chương trình dự án, tổ chức, đơn vị.

+ Các xuất bản phẩm khác phù hợp với tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ của nhà xuất bản

Bài viết này vẫn còn sơ khai. Bạn có thể giúp Wikipedia mở rộng nội dung để bài được hoàn chỉnh hơn.

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Hơn 50 năm thành lập và phát triển, hiện nay Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật là một trong những nhà xuất bản lớn trong hệ thống các nhà xuất bản trên toàn quốc, đã xuất bản khoảng 20.000 đầu sách với hàng triệu bản phục vụ trực tiếp cho sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học của đất nước.

Quá trình phát triển của nhà xuất bản được chia ra làm 5 giai đoạn chính:

Giai đoạn 1960 – 1975

Nhà xuất bản Khoa học được thành lập theo Quyết định số 185/QĐ, ngày 9- 6-1960 của Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học nhà nước. Khi mới thành lập, Nhà xuất bản có nhiệm vụ: xuất bản  tài liệu, sách báo, tranh ảnh... phục vụ công tác nghiên cứu và phổ biến khoa học góp phần xây dựng nền khoa học và kỹ thuật nước nhà đẩy mạnh công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà. Xuất bản phẩm chủ yếu là sách phổ thông, nâng cao dân trí, phục vụ sản xuất, sức khỏe, kinh tế, chống mê tín dị đoan... theo đường lối Đại hội Đảng lần thứ III (1960).

Đến năm 1963, NBX Khoa học sáp nhập với Nhà xuất bản Sử học (của Viện Sử học) nhưng vẫn giữ tên là Nhà xuất bản Khoa học, trực thuộc Ủy ban Khoa học Nhà nước. Xuất bản phẩm chủ yếu lúc này là sách về văn, sử, địa, các công trình của các Viện nghiên cứu.

Tháng 5-1967, Nhà xuất bản Khoa học được đổi tên thành Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, trực thuộc Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước. Cũng trong thời gian này, Ban Từ điển của Ủy ban được sáp nhập vào Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật.

Tháng 8-1965, đế quốc Mỹ bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc.Với mục tiêu phải bảo toàn lực lượng và phát triển trong tình hình mới, Nhà xuất bản đã thực hiện chủ trương sơ tán và tổ chức cho tất cả biên tập viên đi thực tế ở các tỉnh từ Nghệ An,Thanh Hóa, Vĩnh Phúc đến Lạng Sơn, Bắc Cạn... tạo điều kiện nhằm tìm hiểu nhu cầu về sách của các đối tượng bạn đọc theo đúng yêu cầu thời chiến để làm sách thiết thực phục vụ sản xuất, chống chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, chiến đấu ở miền Nam, chống mê tín di đoan... Trong thời gian này, Nhà xuất bản đã xuất bản một số cuốn sách có giá trị như: Chống chiến tranh hóa học, Làm đường nông thôn, Chống trơn lầy cho ô tô, Khai thác nước mạch tưới ruộng, Thủy điện nhỏ...

Nhiệm vụ chính của Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật giai đoạn 1968 – 1975 là vừa phải ra sách phục vụ mục tiêu trước mắt (sản xuất, chiến đấu...), vừa phải chuẩn bị cho việc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Do đó, quy mô phát triển của Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật ngày càng tăng, số lượng biên tập viên được bổ sung, cơ cấu tổ chức bộ máy cũng thay đổi nhiều so với trước. Nhà xuất bản lúc này bao gồm 5 phòng chức năng: Phòng Biên tập sách phổ biến; Phòng Ban Biên sách tham khảo; Phòng Biên tập từ điển; Phòng Tổng hợp; Phòng Sản xuất.

Giai đoạn 1975 – 1987

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất nước nhà Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật lập Chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh với nhiệm vụ đặt đề tài, biên tập, in phát hành sách (kể cả sách do Hà Nội gửi vào) tại thành phố và các tỉnh phía Nam. Là thời kỳ hoạt động được nhà nước bao cấp, sách nhà xuất bản theo đơn đặt hàng của nhà nước. Ấn phẩm in bằng phương pháp tipo chất lượng sản phẩm không tốt.

Nhiệm vụ lúc này của Nhà xuất bản là ra sách phục vụ sản xuất, học tập, nghiên cứu, phục hồi kinh tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước. Nhà xuất bản đã xác định các loại sách chính cần xuất bản trong giai đoạn này là: sách tham khảo; sách công trình khoa học Việt Nam; sách phổ biến kiến thức và kỹ thuật; sách quản lý; sách từ điển.

Những năm 1985-1987, kinh tế đất nước giảm giảm sút, đời sống cán bộ, công nhân viên gặp nhiều khó khăn, số sách xuất bản giảm.

Giai đoạn 1987 – 1993

Là thời kỳ đổi mới quản lý kinh tế, chuyến sang hạch toán kinh doanh, nâng cao quyền chủ động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã tác động tích cực đến phương hướng và nhiệm vụ của Nhà xuất bản. Đây là thời kỳ hoạt động xuất bản chung đều gặp khó khăn, Nhà xuất bản bước đầu làm quen với việc tự chủ về tài chinh, làm sách phải có lãi, tự làm, tự bán. Trước tình hình đó, Nhà xuất bản đã phải huy động cán bộ, công nhân viên, tham gia bán sách và văn hóa phẩm. Để đáp ứng yều cầu mới, Nhà xuất bản đã điều chỉnh lại cơ cấu tổ chức, mở thêm 2 cửa hàng giới thiệu sách tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nhằm tăng cường công tác phát hành, làm đòn bẩy cho xuất bản. thời gian 1989-1992, đời sống cán bộ, công nhân viên đã được nâng cao một bước.

Giai đoạn từ 1993 đến 2009

Năm 1993: Chuyển đổi mô hình tổ chức và hoạt động thành Doanh nghiệp Nhà nước theo Quyết định số 61/QĐ, ngày 16/2/1993 của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Là thời kỳ hoạt động xuất bản bắt đầu có nhiều chuyển biến, luật xuất bản 1993 có hiệu lực thi hành, nhà nước tập trung đầu tư cho ngành xuất bản, từ đơn vị sự nghiệp chuyển sang doanh nghiệp nhà nước. Cơ cấu, bộ máy tổ chức Nhà xuất bản đã có sự thay đổi cho phù hợp với mô hình doanh nghiệp Nhà nước hoạt động kinh doanh có tính chất đặc thù.

Năm 1993 Phòng máy tính được thành lập, công đoạn chế bản sách được thực hiện bằng máy tính.

Năm 1995 Phòng Phát hành và Marketing được thành lập. Công tác phát hành sách được phát triển song song với việc đẩy mạnh khai thác bản thảo, củng cố cửa hàng bán sách ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, xây dựng Trung tâm sách KHKT tại Đã Nẵng, Cần Thơ và mở rộng đại lý tại các tỉnh, thành phố, khu vực khác để hỗ trợ việc tiêu thụ sách, văn hóa phẩm. Với việc chú trọng phát triển thị trường nói trên, đội ngũ phát hành sách trưởng thành không ngừng.

Đồng thời Nhà xuất cũng bản xây dựng được đội ngũ biên tập viên thuộc tất cả các ngành nghề khoa học và kỹ thuật, có trình độ đại học và trên đại học, đặc biệt có nhiều chuyên gia đã từng biên tập và biên soạn sách, từ điển trong nhiều năm; duy trì đội ngũ cộng tác viên gồm các nhà khoa học, các viện sĩ, giáo sư, tiến sĩ, giảng viên tại các trường đại học, các viện nghiên cứu, các kỹ sư ở các doanh nghiệp, công ty, cơ sở sản xuất thuộc mọi ngành nghề và địa phương.

Xuất bản phẩm chính của Nhà xuất bản trong thời kỳ này là: các loại sách nghiên cứu, tham khảo và giáo trình về các bộ môn khoa học cơ bản; sách tra cứu, cẩm nang, hướng dẫn kỹ thuật, công nghệ và môi trường; sách về khoa học quản lý và khoa học kinh tế; từ điển các loại thuộc mọi ngành khoa học, công nghệ và môi trường; sách phổ biến khoa học cho mọi đối tượng và mọi lứa tuổi; các văn hóa phẩm khác trên nhiều chất liệu khác nhau.

Trong thời gian hoạt động dưới mô hình doanh nghiệp Nhà nước, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật không phải xin trợ giá của Nhà nước và luôn giữ được hiệu quả kinh doanh khả quan, đời sống cán bộ, công nhân viên được ổn định và nâng cao. Năm 2001, Nhà xuất bản đã xây dựng xong trang Web và đưa vào hoạt động hệ thống thương mại điện tử nối với các Trung tâm thông tin lớn (thư viện, Trung tâm thông tin của Bộ cũng như các đơn vị khác); nối mạng tin học toàn bộ các phòng, ban trong Nhà xuất bản; thực hiện tất cả các khâu từ việc hạch toán kế toán, quản lý kho tàng, quản lý nhân sự đến biên tập, chế bản... bằng máy tính.

Việc xuất bản lịch blốc trong giai đoạn này là ưu thế của các nhà xuất bản và được thực hiện như các xuất bản phẩm khác để bù lỗ cho hoạt động xuất bản sách là sản phẩm đặc thù. Tuy nhiên năm 2005 chủ trương của Bộ VHTT tại Hội nghị Tổng kết hoạt động xuất bản 2005 là đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động xuất bản lịch blốc.

Từ năm 2005 đến 2010, thực hiện xuất bản lịch blốc theo phương thức xã hội hóa đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Để khắc phục các hạn chế trong xuất bản và phát hành lịch blốc, các nhà xuất bản đã họp và thông qua Hội nghề nghiệp của mình (Hội Xuất bản Việt Nam) để đề xuất phương thức xuất bản lịch blốc trong tình hình mới. Bộ TTTT đã có công văn 1974/BTTTT-CXB ngày 5/7/2011 giao cho Cục Xuất bản thực hiện, việc xuất bản lịch của Nhà xuất bản liên kết với đối tác dần đi vào ổn định, tuy nhiên nguồn thu về lịch trong giai đoạn này không đáng kể.

Tháng 8-2009, theo định hướng phát triển Nhà xuất bản nhằm thích ứng với cơ chế thị trường, nâng cao hiệu quả bộ máy tự chủ, tự chịu trách nhiệm, Nhà xuất bản thành lập Trung tâm Phát hành sách và Văn hóa phẩm khoa học kỹ thuật trên cơ sở  phát triển Phòng Phát hành và Marketing.

Giai đoạn 2010 – tháng 6 năm 2018

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005, chậm nhất là đến ngày 1/7/2010, các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) sẽ phải chuyển đổi thành công ty TNHH hoặc công ty cổ phần.

Tháng 7-2010 đến nay được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký Quyết định số 1183/QĐ-BKHCN chuyển đổi Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật thành đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ. 

Giai đoạn tháng 6 năm 2018 đến nay